Hiển thị các bài đăng có nhãn GIÁO DỤC 24H. Hiển thị tất cả bài đăng
Hiển thị các bài đăng có nhãn GIÁO DỤC 24H. Hiển thị tất cả bài đăng

Vận động nói không với khói thuốc học đường

Tại Việt Nam, thì theo số liệu của Văn phòng Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) mỗi năm có trên 5 triệu người bị chết vì thuốc lá và các tác nhân liên quan tới thuốc lá. Nếu không kịp thời có những biện pháp kiểm soát, ngăn chặn việc hút thuốc lá, đặc biệt là trong lứa tuổi thiếu niên thì số người chết do hút thuốc lá ngày càng tăng.

Nguy cơ gây ảnh hưởng đến sức khỏe của giống nòi và sức khỏe của nhiều thế hệ người Việt Nam trong tương lai. ảnh minh họa/ Internet Một thực trạng hiện nay rất đáng báo động là số người hút thuốc ngày càng trẻ hóa, và hình ảnh những cậu học trò mới học cấp II, trên vai vẫn đeo khăn quàng đỏ, mà trên môi đã phì phèo điếu thuốc gần như hiện diện ở khắp mọi nơi. Theo báo cáo, tỷ lệ học sinh trong độ tuổi 13-15 hút thuốc lá là 10,4-22,9%, trong đó có khoảng 5-8% số học sinh được khảo sát vẫn đang hút thuốc lá. Có đến 44% nam sinh và 12% nữ sinh bậc THPT ở TP HCM có thói quen tai hại này. Đây là kết quả một nghiên cứu do Trung tâm Truyền thông Giáo dục sức khỏe Thành phố thực hiện tại 27 trường THPT trên địa bàn thành phố thực hiện. Có đến 17% hút 6-10 điếu/ngày, 6% hút 11-19 điếu/ngày, nhiều em hút mỗi ngày trên 20 điếu. Điều đáng sợ là có đến 15% học sinh cho rằng hút thuốc lá là hành vi bình thường, không có gì đáng phê phán. Thuốc lá rất dễ nghiện nhưng đã nghiện lại rất khó bỏ. Các em học sinh cũng chưa hình dung hết khi đã nghiện thuốc lá không những phải mang theo suốt đời gánh nặng bệnh tật mà còn mang theo suốt đời gánh nặng kinh tế. Theo báo cáo của Hiệp hội Thuốc lá cho thấy, số tiền người dân bỏ ra mua thuốc lá năm 1998 là 5.000 tỷ đồng, đến năm 2002 đã là 10.400 tỷ đồng; năm 2007 là 14.000 tỷ đồng. Số tiền đó gần bằng số tiền chi cho y tế và gần bằng mức chi cho giáo dục tính theo đầu người. Chính vì vậy, cần phải đưa những nội dung về tuyên truyền phòng chống thuốc lá vào trường học và xem đây là công tác trọng tâm để hạn chế đến mức thấp nhất tình trạng học sinh hút thuốc lá. Để làm được điều đó, cần trang bị cho học sinh các kỹ năng từ chối lời mời hút thuốc từ bạn bè hoặc mọi người. Tuyên truyền phòng chống thuốc lá trong học đường. Thông qua các hoạt động của đoàn thanh niên, lồng ghép nội dung về tác hại của thuốc lá. Phê bình giáo dục những học sinh lén lút hút thuốc hoặc lôi kéo bạn hút. Mỗi buổi chào cờ đầu tuần cần nhắc nhở qui định cấm hút thuốc của nhà trường. Các giờ sinh hoạt lớp cuối tuần, giáo viên chủ nhiệm cần lưu ý phân tích hoặc tâm tình với học sinh về tác hại của khói thuốc lá, giúp đỡ các em đã chớm nghiện bỏ thuốc lá sớm. Các ngày trong tuần nên có đội cờ đỏ kiểm tra phát hiện các bạn hút thuốc lá. Tổ chức các diễn đàn hoặc sân khấu hóa về tác hại của thuốc lá. Tuyên truyền tới học sinh quyết định 1315/QĐ/TTg của Thủ tướng Chính phủ về “Tăng cường thực hiện công ước khung về phòng chống tác hại của thuốc lá” đã có hiệu lực từ ngày 1.1.2010. Giáo dục các thế hệ học sinh nói “không” với thuốc lá, chúng ta sẽ có nhiều thế hệ công dân khỏe mạnh, trí tuệ, có lối sống văn minh lành mạnh và bớt đi được nhiều gánh nặng cho gia đình và xã hội. Muốn vậy, nhà trường cần tăng cường giáo dục và quyết liệt ngăn chặn sớm. Gia đình và xã hội cùng phối hợp để bảo vệ con em mình không cho sa đà vào hút thuốc. Cũng cần có chế tài xử phạt nghiêm khắc những người vi phạm. Nhà trường, cũng như gia đình và xã hội cùng đồng loạt chung tay phòng chống tác hại của thuốc lá thì việc giảm thiểu tỷ lệ học sinh, sinh viên hút thuốc lá là có tính khả thi. Đây phải là khẩu hiệu mà tất cả các nhà trường nên treo ở chỗ dễ nhìn thấy nhất bởi ích lợi to lớn và lâu dài của một môi trường học đường trong sạch không có khói thuốc lá. Có như vậy thì việc phấn đấu để có một môi trường học đường “xanh, sạch, đẹp” mới trọn vẹn đầy đủ. Đây phải là công việc cấp bách của gia đình, nhà trường và của toàn xã hội, mới mong ngăn chặn được những ảnh hưởng của thuốc lá. (Số liệu thống kê từ các báo, và WHO).

Hãy cai thuốc lá ngay hôm nay với Boni Smok
Tỉ lệ nghiện thuốc lá cao hơn heroin và gần gấp đôi cần sa. Và hầu hết những người hút thuốc lá đều biết tác hại của nó nhưng lại không thể bỏ được. Nhưng đã có Boni Smok thì việc bỏ thuốc lá sẽ không còn khó khăn cho những ai muốn cai thuốc lá. Hãy chung tay vì một học đường không khói thuốc
Chia sẻ về biện pháp ngăn chặn tình trạng hút thuốc lá trong học đường, hầu hết trường học trên địa bàn tỉnh đều tích cực triển khai tuyên truyền phòng chống hút thuốc lá, các biện pháp kỷ luật được nhà trường đưa vào nội quy ngay từ đầu năm học. Các buổi sinh hoạt dưới cờ hàng tuần đều có nội dung tuyên truyền về tác hại thuốc lá và học sinh đã làm cam kết không tàng trữ, không sử dụng các chất gây nghiện, trong đó có thuốc lá. Thậm chí, một số trường còn thực hiện lồng ghép nội dung phòng chống thuốc lá trong các tiết học về kỹ năng sống. Nếu học sinh bị phát hiện hút thuốc lá trong trường học sẽ bị xử phạt nghiêm khắc. Để nói không với thuốc lá trong học đường, cần có sự phối hợp chặt chẽ của gia đình, trước tiên là xây dựng gia đình không khói thuốc. Cha mẹ cần trang bị cho con các kỹ năng từ chối lời mời hút thuốc lá từ bạn bè hoặc mọi người, tạo thói quen nói không với thuốc lá cho con em mình. Thường xuyên quan tâm, quản lý sinh hoạt hàng ngày của con em về thời gian và các mối quan hệ bạn bè. Ngoài ra các cơ quan chức năng cần quản lý chặt chẽ việc buôn bán thuốc lá cho trẻ vị thành niên. Còn lại vấn đề quan trọng nhất vẫn là từ phía các em học sinh, các em phải có ý thức bảo vệ sức khỏe của mình.

Tôi tin các tập đoàn tư nhân lớn sẽ làm thay đổi diện mạo giáo dục Việt Nam

Ngày 4/6/2019 Chính phủ ban hành Nghị quyết số 35/NQ-CP về tăng cường huy động các nguồn lực của xã hội đầu tư cho phát triển giáo dục và đào tạo giai đoạn 2019-2025.

Sau hơn 10 năm thực hiện chủ trương của Đảng và các chính sách của Nhà nước về đẩy mạnh xã hội hóa giáo dục và đào tạo nhưng đến nay Chính phủ đánh giá, tổng các nguồn lực của xã hội thu hút vào khối ngoài công lập còn rất thấp so với tiềm năng.

Nguyên nhân chủ yếu của những hạn chế, tồn tại nói trên trước hết thuộc về nhận thức của các cấp quản lý, của người học và xã hội.

Các văn bản thể hiện chủ trương xuyên suốt của Đảng và Chính phủ về huy động các nguồn lực của xã hội đã được ban hành khá đầy đủ với quan điểm, tầm nhìn và định hướng đổi mới trong dài hạn.

Rất nhiều giải pháp thiết thực được Nghị quyết số 35/NQ-CP chỉ ra để tăng cường huy động nguồn lực của xã hội đầu tư cho phát triển giáo dục và đào tạo sẽ vẫn nằm trên giấy, nếu không có sự vào cuộc của các bộ, các địa phương.

Do đó, mục tiêu Chính phủ đặt ra sẽ rất khó hoàn thành, trong khi nhu cầu và triển vọng phát triển Giáo dục tư thục Việt Nam còn rất lớn.

Khu ký túc xá số 4 của Đại học Quốc gia Hà Nội đã làm được 5 dãy nhà ở sức chứa 2.000 người và một nhà ăn, từ giai đoạn 2003 - 2008. So với quy mô ban đầu là 21 tòa nhà, đáp ứng 8.000-10.000 chỗ ở, phần hoàn thiện này còn khá nhỏ. Ảnh: Giang Huy.

Trao đổi với phóng viên Báo điện tử Giáo dục Việt Nam về vấn đề này, nhà giáo ưu tú Nguyễn Phú Cường - Chủ tịch hội đồng quản trị Hệ thống Giáo dục Lômônôxôp (Hà Nội), cho biết:

"Cái mà chúng ta quan tâm chính là các giải pháp trong Nghị quyết 35 của Chính phủ mà trong đó có nêu 5 giải pháp.

Trong đó tôi đề nghị hoàn thiện thể chế cải thiện môi trường đầu tư nên tôi sẽ tập trung nói về điều đó. Tôi có đề nghị thứ nhất:

Các cơ quan quản lý có thể cởi mở hơn, tuyên truyền nhiều hơn để cho xã hội tin giáo dục công lập và giáo dục ngoài công lập, họ phải có niềm tin mới được vì nếu không có niềm tin thì sẽ nghi ngờ và siết chặt, mà đã siết chặt lại thì nhiều khi là không đúng.

Bộ Giáo dục và Đào tạo có quy định về tiêu chuẩn Hiệu trưởng nhưng không có quy định nhất thiết phải là Đảng viên. Nhưng khi làm thì Sở Giáo dục có ý kiến, thế là các trường phải "lách", nhưng có những nơi không lách "được", từ đó dẫn đến nhiều khó khăn.

Nhiều nhà đầu tư xã hội hóa giáo dục phát biểu gay gắt, tại sao cứ phải bắt buộc trường tư tổ chức công đoàn, chi bộ, trong khi họ đã lo và tạo điều kiện cho đời sống cán bộ giáo viên rất tốt.

Những Đảng viên giỏi về trường của họ làm việc đều được tạo điều kiện phát triển rất tốt. Như vậy tôi thấy chúng ta không nên thêm những điều kiện gây rất khó cho các nhà đầu tư xã hội hóa.

Nhà giáo ưu tú Nguyễn Phú Cường: "Theo tôi những tập đoàn lớn họ đã và đang làm giáo dục, họ sẽ chứng minh bằng thực tế rằng những điều kiện gò bó quá sẽ không phù hợp và họ sẽ tự tháo bỏ, và hiện nay đã như vậy rồi". Ảnh: Tùng Dương.

Kiến nghị thứ 2: Nhân cái việc tin hay không tin người dám đứng ra làm, thì cũng cần phải xem xét lại đơn vị công lập nếu làm không ra gì thì cũng phải bị xử lý nghiêm.

Tôi lấy ví dụ khu đất của Đại học Quốc gia rất đẹp, nhưng cả chục năm nay rồi vẫn không triển khai xây dựng xong, trong khi đó tập đoàn Vin Group họ xây cả một trường đại học trong có 14 tháng thì đó là một điều quá phi thường, quá giỏi. Vậy tại sao họ lại làm được như thế?

Cả một khu trường đại học đạt tiêu chuẩn quốc tế với rất nhiều hạng mục mà họ làm trong 14 tháng, trong khi gần 20 năm chúng ta vẫn không làm xong được khu Đại học Quốc gia Hà Nội. Vậy phải xem xét lại vì càng kéo dài lâu thì càng trượt giá, gây lãng phí nguồn vốn.

Vậy theo tôi cần mạnh dạn tìm những đơn vị giỏi, tuyên truyền mạnh hơn nữa để xem họ làm thế nào mà quản lý được mọi việc nhanh như thế.

Trường chúng tôi từ khi làm móng cho đến tất cả các khâu thực hiện đều được các cổ đông giám sát chặt chẽ, quản lý vật liệu ra sao, lưu mẫu bê tông thế nào…như vậy để nói rằng tiền của các nhà đầu tư mà lại được chính họ giám sát thì sẽ rất tốt, không ai lại đi tham nhũng chính tiền của mình cả.

Tất cả những kiểu quản lý như thế mang lại hiệu quả thiết thực, hơn là kiểu chờ kinh phí sửa chữa và khi đó thì giá thành mọi thứ cũng khác. Đó cũng cách quản lý giữa 2 khu vực công và tư.

Các trường ngoài công lập tôi tạm chia ra 2 giai đoạn, một là các nhà giáo đứng ra làm trường tư thục. Giai đoạn 2 tiếp theo là một số tập đoàn lớn đầu tư vào giáo dục.

Các nhà giáo như chúng tôi làm thì đều tuân thủ quy tắc nhà nước, nhưng trong khi các tập đoàn khi giấy phép xây dựng trường thì họ lại làm khác, và tôi cho chính những tập đoàn này sẽ làm thay đổi giáo dục của Việt Nam, họ đầu tư bài bản và ngoài sức tưởng tượng của mọi người".

Nhiều hộ dân trong khu vực giải tỏa Đại học Quốc gia Hà Nội dù đã nhận tiền đền bù, do chưa có khu tái định cư nên vẫn sinh sống tại khu đất của dự án. Ảnh: Giang Huy.

Thầy Cường cho biết: "Tôi cũng đã tham gia về thủ tục cho nhiều tập đoàn mở trường học nên tôi biết, họ cầu kỳ đến mức độ là phòng thí nghiệm của học sinh đều được mua từ Anh, phải đúng các chuyên gia của Anh sang lắp mặc dù giá rất đắt.

Nhà bếp cho học sinh họ mua tại Thụy Sỹ, từ bát, thìa, nồi niêu xong chảo…họ đầu chất lượng và đồng bộ như vậy và ngoài ra còn rất nhiều hạng mục nữa.

Có thể nói rằng họ đầu tư như vậy thì cần có người giúp sức, nếu như mình không giữ nguyên cơ chế thì chính họ cũng sẽ góp phần làm thay đổi cơ chế một phần.

Bởi vì cơ chế của chúng ta có Thông tư 13 của Bộ Giáo dục về cơ cấu tổ chức của trường. Khi thành lập trường họ cũng vẫn tuân thủ, nhưng nếu không phá vỡ thì họ cũng sẽ không làm được.

Nếu được quan tâm đầy đủ, Giáo dục tư thục mạnh biết chừng nào

Họ mời một ông hiệu trưởng là Đảng viên nhưng chỉ phụ trách một phần nhỏ của trường.

Nhưng còn ông tổng phụ trách kia là người nước ngoài, họ được nhà đầu tư giao quyền phụ trách nhà trường, chứ không phải nhà nước quyết định việc này.

Tổng phụ trách người nước ngoài kia sẽ triển khai, giám sát việc dạy chương trình quốc tế của trường, họ giỏi tiếng Anh và trình độ quản lý giáo dục của họ đạt đẳng cấp quốc tế, trong khi ông hiệu trưởng của chúng ta lại không làm được việc này, đó cũng là điều cần phải xem lại.

Vậy theo tôi những tập đoàn lớn họ đã và đang làm giáo dục, họ sẽ chứng minh bằng thực tế rằng những điều kiện gò bó quá sẽ không phù hợp và họ sẽ tự tháo bỏ, và hiện nay đã như vậy rồi".

Tùng Dương

Nghị quyết 35 của Chính phủ về thu hút đầu tư giáo dục còn nhiều nơi thờ ơ

Vấn đề phát triển giáo dục tư thục và giải pháp thực hiện Nghị quyết 35/NQ-CP, các văn bản thể hiện chủ trương xuyên suốt của Đảng và Chính phủ về huy động các nguồn lực của xã hội đã được ban hành tương đối đầy đủ với quan điểm, tầm nhìn và định hướng đổi mới trong dài hạn. Tuy nhiên, điểm nghẽn chính là khâu triển khai thực hiện các chính sách đã ban hành.

Chính phủ thống nhất việc phải có ngay giải pháp khắc phục căn bản những hạn chế, yếu kém trong thời gian qua, đặc biệt ở khâu triển khai, thực thi các chủ trương, chính sách, tạo bước chuyển biến mạnh mẽ trong công tác huy động các nguồn lực của xã hội cho giáo dục và đào tạo.

Thầy Võ Thế Quân - Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Đông Đô :"Nghị quyết 35 của Chính phủ giao là hướng dẫn các địa phương, chú trọng phát triển các cơ sở giáo dục ngoài công lập trong quy hoạch mạng lưới, và các chiến lược kế hoạch phát triển giáo dục trên địa bàn. Nội dung này Bộ Giáo dục lại không đưa vào". Ảnh: Tùng Dương.

Trao đổi với Báo điện tử Giáo dục Việt Nam về nhận diện những điểm nghẽn này, thầy Võ Thế Quân - Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Đông Đô (Hà Nội), đã chia sẻ quan điểm:

"Có 2 văn bản, một là Nghị quyết 35 của Chính phủ và hai là Kế hoạch số 1237 của Bộ Giáo dục và Đào tạo để triển khai Nghị quyết 35, khi tôi đối chiếu giữa nhiệm vụ mà Chính phủ giao cho Bộ Giáo dục để triển khai Nghị quyết thì tôi thấy rất cụ thể, giao từng bộ và làm những việc gì.

Tôi nhận thấy trong kế hoạch của Bộ Giáo dục cũng đã bám sát những nhiệm vụ của Chính phủ giao. Tuy nhiên ở đây tôi phát hiện ra một nội dung trong kế hoạch của bộ là chưa thể hiện rõ và chưa đầy đủ nhiệm vụ mà Chính phủ đã giao.

Trong Nghị quyết 35 của Chính phủ thì Bộ Giáo dục có giao nhiệm vụ thường xuyên rà soát các điều kiện đầu tư, hoạt động trong lĩnh vực giáo dục để cắt giảm các điều kiện không cần thiết, đơn giản hóa thủ tục hành chính. Nội dung này đã được Bộ đưa vào trong mục 2.

Nhưng có một nội dung thứ 2 cũng rất là quan trọng mà trong Nghị quyết 35 của Chính phủ giao là hướng dẫn các địa phương, chú trọng phát triển các cơ sở giáo dục ngoài công lập trong quy hoạch mạng lưới, và các chiến lược kế hoạch phát triển giáo dục trên địa bàn. Nội dung này Bộ Giáo dục lại không đưa vào.

Tôi thấy đây là nội dung rất quan trọng và chúng tôi rất cần, các trường ngoài công lập và ngay ở Thủ đô Hà Nội cũng rất cần quy hoạch này.

Hiện nay chúng ta đều hiểu từ sau Đại hội 6, rồi đến Đại hội 8 thì nhà nước đã mở rộng phát triển khối giáo dục ngoài công lập hay có thể nói rõ hơn là giáo dục tư thục.

Như vậy là chính từ cấp Trung ương đã rất cởi mở với bản chất của hệ thống trường tư thục này, như vậy chúng ta đều hiểu là giáo dục công lập và giáo dục tư thục được ví như 2 cánh của một con chim đại bàng của ngành Giáo dục Việt Nam.

Như vậy để giáo dục phát triển hài hòa, đồng bộ thì 2 cánh này phải đập cùng một nhịp, giáo dục công lập và giáo dục tư thục phải cùng nhau phát triển, bổ trợ cho nhau trong sự nghiệp phát triển nền giáo dục chung.

Hiện nay ở kế hoạch tổng thể thì chúng ta có đưa vào giáo dục ngoài công lập bên cạnh giáo dục công lập, nhưng khi đến địa phương, tỉnh, thành phố và đặc biệt thấp hơn nữa là quận huyện thì mảng ngoài công lập bị mờ nhạt và chỉ còn mỗi giáo dục công lập.

Đó cũng chính là suy nghĩ của các cấp quản lý chưa hài hòa trong việc đối xử với 2 hệ thống giáo dục công lập và giáo dục tư thục này. Hiện nay chúng ta mới chỉ tập trung khai thác và quản lý hệ thống trường công lập thôi, còn ngoài công lập phát triển được đến đâu hay đến đấy, không có định hướng cho rõ ràng, không có quy hoạch cho rõ ràng.

Chúng tôi rất mong muốn là trong kế hoạch giáo dục của từng địa phương, từ Trung ương đến địa phương thì cần phải có 2 phần, cho ngoài công lập và cho công lập. Hiện nay chúng ta mới chỉ tập chung cho công lập còn tư thục thì chưa được bao nhiêu.

Trong quy hoạch cần có vấn đề gì phải đưa vào? Thứ nhất là mạng lưới các trường, ví dụ trên địa bàn quận huyện của Hà Nội ở quận này với số lượng học sinh hiện tại và trong tương lai thì cần bao nhiêu trường công lập và bao nhiêu trường ngoài công lập ở các bậc học, chúng ta phải có kế hoạch cho rõ.

Như vậy nhà nước căn cứ trên thực tế sẽ đầu tư trường công lập, còn khối ngoài công lập thì huy động xã hội hóa, nhưng phải có quy hoạch để những nhà đầu tư biết, chỉ cho họ thấy vị trí địa điểm xây dựng ngôi trường đó. Có như vậy thì việc quản lý của chúng ta mới hài hòa, thống nhất được.

Học sinh Trường Trung học phổ thông Đông Đô (Hà Nội) trong giờ học ngoại ngữ. Ảnh: Nhà trường cung cấp.

Hiện nay những trường ngoài công lập cũng như người dân không biết là ngôi trường này xây ở đâu và quy mô ra sao? Bản thân những nhà giáo như chúng tôi cũng chưa hề nhìn thấy quy hoạch các trường ngoài công lập trên địa bàn Hà Nội ở chỗ nào, và ở các quận huyện lại càng không thấy đâu.

Như vậy có thể nói về mặt lý thuyết thì ở cấp Trung ương rất coi trọng và tạo điều kiện cho xã hội hóa giáo dục, cho các trường ngoài công lập phát triển, nhưng ở cấp quản lý địa phương thì thực tế lại chưa vào cuộc.

Đó là những cái tắc nghẽn, nếu nói những giải pháp thực hiện Nghị quyết 35/NQ - CP thì đó là khâu triển khai ở cấp địa phương, quận huyện, cơ sở. Tôi nghĩ ở khâu này thì các cấp chính quyền địa phương phải vào cuộc sát sao hơn.

Hiện nay Hà Nội chưa ban hành kế hoạch để thực hiện Nghị quyết 35 của Chính phủ, và cả nước mới có 2 tỉnh triển khai ban hành kế hoạch để thực hiện việc này, còn lại 61 tỉnh thành phố vẫn án binh bất động, chưa nhập cuộc với Nghị quyết 35/NQ - CP.

Trong khi 35/NQ - CP đề ra có 5 năm từ 2019 đến 2025. Tôi thấy thực trạng là từ khi có Nghị quyết cho đến khâu thực hiện thì độ trễ của nó rất lớn.

Từ Trung ương đến thành phố chậm một chút, từ thành phố đến quận huyện chậm chút nữa, quận huyện đến người dân chậm chút nữa và cứ độ trễ như thế này, và giờ đã sang năm thứ 2 của việc thực hiện Nghị quyết 35 thì không biết đến khi nào mới thực hiện đi vào cuộc sống.

Nên cái mà chúng tôi lo lắng và muốn sau này Báo điện tử Giáo dục Việt Nam có đề xuất với các cấp quản lý là phải nhanh chóng nhập cuộc để giải quyết những vấn đề trong việc này.

Đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo trong kế hoạch của mình cần phải đưa vào hướng dẫn cho các địa phương về việc xây dựng, quy hoạch mạng lưới trường học bao gồm cả trong và ngoài công lập. Hiện nay ngoài công lập gần như thả nổi, các trường tự lo lấy và không nằm trong mạng lưới quy hoạch ổn định rõ ràng.

Từ đó dẫn tới tình huống mà chúng tôi là những người làm trường ngoài công lập từ những năm 90 của thế kỷ trước, nhưng chúng tôi nói mà chẳng có ai nghe cả. Tức là nếu chúng ta không có quy hoạch này thì sẽ dẫn đến tình trạng có một điểm hay một quận nào đấy thì số lượng trường ngoài công lập rất nhiều, nhưng ở quận huyện khác thì lại không có, hoặc rất ít.

Như vậy là không hài hòa, chỗ nào phát triển được thì chúng ta cứ cho phát triển, việc này không có kế hoạch cũng như quy hoạch đầu tư lâu dài. Nếu cứ như vậy thì không bao giờ phát triển được giáo dục, và nó dẫn tới việc trường ngoài công lập quá đông hay quá ít thì cũng không được.

Chúng ta thấy hiện nay ở nhiều khu đô thị mới có hiện tượng người dân phản đối vì chỉ thấy trường tư thục, trong khi không hề có trường công lập. Chúng ta phải phát triển hài hòa 2 hệ thống này, nhưng để hài hòa được thì nhà nước, chính quyền địa phương phải đưa nó vào quy hoạch và kế hoạch phát triển, chứ không thể các trường tự làm được.

Nếu làm một cách minh bạch thì nhà nước, chính quyền địa phương phải công bố công khai quy hoạch tất cả các địa điểm để xây dựng trường trong từng quận huyện cũng như trong thành phố.

Và nhà nước sẽ đầu tư từng này trường công lập, những địa điểm còn lại chuyển sang trường ngoài công lập. Còn trường nào và nhà đầu tư nào muốn đầu tư vào trường đó thì xin mời đăng ký với thành phố để mà xây dựng.

Nếu làm được như vậy thì chúng ta sẽ có một bức tranh rất đẹp, rất hài hòa, công khai minh bạch về sự phát triển hệ thống giáo dục. Tôi thấy hiện nay là quá tù mù".

Hiện nay ở kế hoạch tổng thể thì chúng ta có đưa vào giáo dục ngoài công lập bên cạnh giáo dục công lập, nhưng khi đến địa phương, tỉnh, thành phố và đặc biệt thấp hơn nữa là quận huyện thì mảng ngoài công lập bị mờ nhạt và chỉ còn mỗi giáo dục công lập. Ảnh minh họa, nguồn: Nhà trường cung cấp.

Cũng theo thầy Quân: "Trở lại vấn đề rà soát các điều kiện đầu tư các lĩnh vực, cắt giảm các điều kiện không cần thiết, với nội dung này tôi có đề nghị là trong Nghị quyết 35 hiện nay về chính sách thuế giao Bộ Tài chính thì có câu "rà soát sửa đổi các quy định về thuế nhằm khuyến khích giáo dục, đào tạo tự chủ tài chính có tích lũy đầu tư".

Nhưng hiện nay chính sách thuế đối với các trường ngoài công lập, tôi chỉ nói ở cấp phổ thông thôi chứ cấp dạy nghề vào cao đẳng đại học tư thục thì đương nhiên phải đóng thuế vì đây là đào tạo nghề nghiệp rồi.

Nhưng khối phổ thông mà chúng ta gọi là phổ cập, vậy thì đối với khối này đề nghị nhà nước phải nghiên cứu, quy hoạch cho hợp lý, thỏa đáng hơn. Hiện nay một số quy định chưa hợp lý.

Tôi lấy ví dụ Nghị định số 35 năm 2006 và Nghị định số 69 năm 2008 của Chính phủ đã quy định các trường ngoài công lập được hưởng thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp là 10% trong suốt thời gian hoạt động, ở 2 Nghị định này đều nói rõ như vậy.

Tôi tin các tập đoàn tư nhân lớn sẽ làm thay đổi diện mạo giáo dục Việt Nam

Nhưng đến Quyết định số 1466 ngày 10/10/2008 thì Thủ tướng lại quy định danh mục chi tiết các tiêu chí cụ thể mới được hưởng chính sách ưu đãi về xã hội hóa. Tôi đã nhiều lần nói đây là quy định giấy phép con.

Nghị định phải to hơn quyết định, đáng lẽ ra quyết định này phải tuân thủ Nghị định, nhưng quyết định này lại ngược lại với Nghị định nên đã dẫn đến việc các trường phải đóng thuế với mức 25%, đó là việc vô lý.

Trong đó có quy định là phải 6 mét vuông đất trên một học sinh thì mới được hưởng ưu đãi thuế 10%, trong khi điều đó là không thể với những trường trong nội đô khi có quỹ đất hẹp, tấc đất tấc vàng. Thực tế không có mấy trường đủ điều kiện 6 mét vuông đất cho một học sinh để được hưởng ưu đãi, quy định này rất lạc hậu, không sát với thực tế.

Về vấn đề này thì Giáo sư Trần Hồng Quân, Chủ tịch Hiệp hội các trường đại học và cao đẳng Việt Nam đã kiến nghị với Quốc hội, Chính phủ và đã được giải tỏa vấn đề này.

Nhưng các trường cấp phổ thông thì không có ai đại diện, không có một tổ chức nào đứng ra để kiến nghị với chính phủ.

Đây có thể nói là những điều kiện lạc hậu cản trở sự phát triển, nên dẫn tới việc chúng ta gọi là ưu đãi nhưng thực tế lại không hề có ưu đãi gì cả".

Tùng Dương

Bộ Xây dựng đang soát xét quy chuẩn kỹ thuật liên quan chiều cao trường học

Trước thực trạng về quá tải trường học tại các khu đô thị lớn, vấn đề đặt ra ở đây là trường học trong đô thị - những quy định trói buộc về xây dựng cơ sở vật chất, trong khi hiện nay việc xây dựng các khu đô thị mới thì thiếu quy hoạch tổng thể và không đồng bộ so với nhu cầu học tập của người dân, đặc biệt là trẻ em.

Trong khi quỹ đất xây trường học tại các đô thị ngày càng thu hẹp lại, yêu cầu giới hạn tối đa 4 tầng đối với trường học như hiện nay tại Quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia về an toàn cháy cho nhà và công trình (QCVN 06 : 2010/BXD) do Bộ Xây dựng ban hành năm 2010 liệu có còn phù hợp?

Điểm Trường tiểu học Võ Thị Sáu phải học nhờ trên đất chùa Hàm Long tại ngõ 18 phố Hàm Long, Hà Nội. Ảnh: Tùng Dương.
Cổng vào Điểm Trường tiểu học Võ Thị Sáu chỉ rộng có 1m ngang và nằm sau trong ngõ 18 phố Hàm Long, Hà Nội. Ngõ hẹp này sẽ khó khăn cho việc tiếp cận nếu có tình huống khẩn cấp xảy ra. Ảnh: Tùng Dương.

Trước vấn đề này, ông Nguyễn Đại Minh - Viện trưởng Viện Khoa học Công nghệ Xây dựng thuộc Bộ Xây dựng đã trao đổi với Báo điện tử Giáo dục Việt Nam:

"Theo tôi có 3 vấn đề, thực trạng về quy định số tầng trong các trường học hiện nay ở Việt Nam, thì trong quy chuẩn 06 đã quy định rất rõ ở phần phụ lục H: Trường học phổ thông nội trú là 4 tầng nhưng với điều kiện chịu lửa ở bậc 1 và bậc 2.

Ở bậc 1 và 2 nếu xảy ra cháy thì công trình sẽ chịu được trong thời gian 150 phút mà không bị sập, việc này thuận tiện cho việc cứu hộ. Còn nếu ở bậc 3 và 4 thì mức độ chịu sẽ ngắn hơn, sẽ khó khăn trong việc giải cứu người.

Trong quy chuẩn này thì các quy định đều rất là chặt, nhà và công trình công cộng chỉ được cao đến 50m. Nhà ở chung cư thì được xây 25 tầng và cao 75m, đồng thời không xây quá 1 tầng hầm. Nhưng vẫn có một điều khoản mở, để làm sao giải quyết được thực tế trong một số trường hợp vượt qua những quy định đó.

Trong một số trường hợp riêng biệt thì Bộ Xây dựng chỉ cho phép giảm bớt một số yêu cầu của quy chuẩn này đối với công trình cụ thể, khi chủ công trình có luận chứng gửi Bộ Xây dựng nêu rõ giải pháp thay thế, và luận chứng phải được sự thẩm duyệt của Cục Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy và Cứu nạn cứu hộ.

Quy chuẩn này do Viện Khoa học công nghệ xây dựng (Bộ Xây dựng) phối hợp với Cục Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy và Cứu nạn cứu hộ (Bộ Công an), biên soạn.

Tất cả nhưng quy chuẩn này chủ yếu dựa theo quy chuẩn của Nga, mà Nước Nga đất rộng, người thưa nên họ quy định cũng khá chặt chẽ. Tuy nhiên đã có những cái thay đổi cho phù hợp với điều kiện của Việt Nam, chính vì vậy nó cũng có những hạn chế. Đặc thù chung của giáo dục đào tạo thì các nước họ rất ưu tiên đất rộng cho trường học, vì đào tạo con người là căn bản cốt lõi của phát triển đất nước.

Viện Khoa học Công nghệ Xây dựng tiến hành nghiên cứu tham khảo của Mỹ, phương Tây…nâng độ cao của nhà lên 150 m, 3 tầng hầm. Đặc biệt nếu từ 3 tầng hầm trở lên thì trường hợp đó sẽ không thuận lợi cho việc cứu nạn cứu hộ.

Còn việc bàn về trường học thì tại sao lại 4 tầng đạt tiêu chuẩn bậc 1 bậc 2, phải có 2 cầu thang bộ thoát hiểm.

Từ thời Pháp thì trường học của ta chỉ có 1 đến 2 tầng, năm 1975 đến năm 1986 thì Hà Nội chủ yếu là nhà 5 tầng, trường Đại học Bách Khoa, Đại học Ngoại Ngữ… cao 5 tầng và việc này khiến cho học sinh, sinh viên ngại lên xuống. Còn các trường phổ thông cũng chỉ cao 2 tầng.

Về kinh nghiệm quốc tế mà chúng tôi đã tham khảo thì ở Nga là 4 tầng, còn ở Mỹ thì họ cho phép từ 5 đến 6 tầng với trường phổ thông, nhưng yêu cầu bắt buộc phải có trang thiết bị báo cháy tự động, và chữa cháy tự động.

Ở Mỹ họ có quy định rất rõ là lớp 1 thì ở tầng 1, lớp 2 thì từ tầng 1 đến tầng 2 và hàng tháng phải có huấn luyện về an toàn cháy cho mọi người.

Ở Singapore thì họ quy định nếu có trang thiết bị báo cháy tự động, và chữa cháy tự động, có máy phát điện dự phòng thì cho phép xây cao vượt 24 m tương đương 6 tầng.

Ở Hồng Kông thì lại không hạn chế xây trường học cao tầng, có lẽ vì đặc thù quỹ đất không có mà dân cư lại đông, nhưng họ quy định tối thiểu phải có 2 cầu thang bộ để thoát nạn.

Malaysia cũng không hạn chế số tầng trường học. Trung Quốc thì quy định tối đa là 5 tầng đối với trường phổ thông, và đòi hỏi phải có hệ thống chữa cháy vách tường, có thể hiểu đó là hệ thống chữa cháy được gắn trong tường và khi có cháy thì lấy ra sử dụng.

Ở Anh cũng quy định là 6 tầng. Ấn Độ thì trường mẫu giáo và lớp 1 ở tầng 1, lớp 2 tầng 2 còn đối với các lớp khác thì không giới hạn số tầng.

Như vậy tôi thấy việc đảm bảo an toàn cháy là rất quan trọng, đặt biệt là ở các khu đô thị nơi có những tòa cao tầng, siêu cao trong khi các thang chữa cháy hiện đại nhất hiện nay cũng không thể với tới, hoặc xe chữa cháy không vào được vì đường giao thông nhỏ hẹp".

Ông Nguyễn Đại Minh - Viện trưởng Viện khoa học công nghệ xây dựng: "Đặc thù chung của giáo dục đào tạo thì các nước họ rất ưu tiên đất rộng cho trường học, vì đào tạo con người là căn bản cốt lõi của phát triển đất nước". Ảnh: Tùng Dương.

Cần có hướng tháo gỡ cho các đô thị lớn

Cũng theo ông Minh: "Trên góc độ ý kiến cá nhân thì tôi có đề xuất: Xét về khía cạnh an toàn cháy thì đối với những khu vực đô thị hiện hữu như ở Hà Nội với mật độ dân cư cao ở nội đô, không có điều kiện quy hoạch lại, không bố trí được quỹ đất để mở rộng các trường học thì có thể xem xét bố trí cho học sinh từ lớp 4 trở lên sẽ học ở tầng 5. Tầng cao hơn sẽ bố trí phòng giáo vụ, còn các lớp học sẽ từ tầng 5 trở xuống.

Nhưng phải kèm theo quy định trang bị hệ thống báo cháy tự động và hướng dẫn thoát nạn, chưa cần yêu cầu phải có chữa cháy tự động nhưng báo cháy tự động thì bắt buộc phải có.

Ngoài ra cũng cần có những quy định bổ sung, chặt chẽ hơn về tập huấn, diễn tập các phương án thoát nạn trong những tình huống khẩn cấp xảy ra, để giảm thiểu nguy cơ mất an toàn cho học sinh và mọi người trong trường học.

Giới hạn số tầng trường học có thể nới lỏng trong một số trường hợp

Về lâu dài thì Bộ Giáo dục và Đào tạo cần có nghiên cứu kỹ hơn đối với các vấn đề khác liên quan đến học sinh khi bố trí phòng học ở trên cao.

Ví dụ từ tầng 4 trở lên nếu không có thang máy thì sẽ rất bất tiện cho việc di chuyển lên xuống, nhưng nếu có thang máy thì đối với các cháu nhỏ thì khi vận hành cũng cần phải có quy định cụ thể.

Đối với các khu vực quy hoạch mới, mặc dù là nội đô như Hà Nội hoặc các đô thị lớn thì cần quan tâm bố trí quỹ đất để phát triển các cơ sở giáo dục phổ thông, cần chú ý đến dự phòng cho việc phát triển dân số để đảm bảo duy trì được tiêu chuẩn về an toàn phòng cháy theo Quy chuẩn 06 năm 2010. Những nơi khác đất rộng mà không phải ở trong nội đô thì nên giữ quy định 04 tầng.

Cũng giống như nhà chung cư thì các nước phổ biến là cao 20 tầng, sang đến Đông Âu thì thấp hơn và sang Châu Âu thì còn thấp hơn nữa.

Ngay như Hồng Kông, Singapore thì nhà chung cư cũng chỉ cao 30 tầng. Nhưng ở Việt Nam thì cao 40 tầng cũng có, những chung cư cao tầng này dẫn đến việc vận hành, duy trì, đảm bảo an toàn cháy nổ, áp lực đè lên giao thông, lên hạ tầng xã hội là rất lớn

Theo tôi trường học hiện nay nên duy trì theo quy định 4 tầng, nhưng sẽ mở ra theo hướng mới là 5 tầng và cho phép các khu phụ trợ khác bố trí trên tầng cao.

Vấn đề nữa là an toàn sinh mạng, tiện nghi sử dụng cho học sinh và giáo viên thì phải tuân thủ Quy chuẩn số 05/ 2008 đã hướng dẫn như áp dụng điều hòa, thang máy…theo công nghệ mới thuận tiện cho giảng dạy và đảm bảo sức khỏe cũng như sự phát triển cho các em học sinh.

Với cương vị là Viện trưởng Viện Khoa học công nghệ xây dựng (Bộ Xây dựng), tôi sẽ ghi nhận các ý kiến đóng góp của các nhà quản lý trường học công lập cũng như tư thục.

Chúng tôi sẽ tập hợp lại và báo cáo với Bộ trưởng Bộ Xây dựng cũng như các đồng chí lãnh đạo Bộ, để làm sao có cách tháo gỡ các vấn đề bất cập hiện nay về trường và lớp học, không những cho Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh mà còn cho các đô thị khác trong cả nước".

Tùng Dương

Chọn sách giáo khoa, ai biết "ma ăn cỗ lúc nào?"

Thời gian này, các trường lựa chọn sách giáo khoa, có không ít câu hỏi thắc mắc: "Có sự định hướng trong việc chọn sách giáo khoa không?";

Việc chọn lựa sách giáo khoa tránh sao khỏi định hướng? (Ảnh minh họa: Báo Tài nguyên và Môi trường).

"Mình bỏ công sức nghiên cứu, nghiền ngẫm thế này để chọn lựa nhưng rốt cuộc có được chấp nhận không?".

Cũng chẳng bất ngờ khi hàng loạt ý kiến được đưa ra: "Tổ chức lựa chọn để mang tính dân chủ thôi chứ ai biết ma ăn cỗ lúc nào?";

"Tổ chức bình chọn kiểu này tránh sao việc không định hướng?"; "Mà nếu có định hướng cũng chẳng ai biết được, chẳng có bằng chứng nào để nói"…

Vì sao giáo viên lại luôn nghi ngờ tính minh bạch? Vì sao lại chẳng ai tin tưởng vào ngành giáo dục đang trao vào tay nhiều giáo viên cái quyền được chọn lựa bộ sách tốt nhất cho chính học sinh của mình?

Cả huyện, cả thị hoặc cả tỉnh chọn một bộ sách


Chọn sách khổ lắm!

Hiện có nhiều địa phương đã tổ chức xong việc lựa chọn sách thế nhưng chính giáo viên cũng chẳng thể biết được sang năm học sinh mình sẽ học bộ sách nào?

Bởi, cả huyện sẽ thống nhất chọn để dùng chung một bộ sách cho tiện việc tập huấn và tạo điều kiện cho việc mua sách của phụ huynh.

Vì thế, dù từng trường đã tổ chức lựa chọn xong, tên bộ sách cũng đã được gút lại ghi vào biên bản. Thế nhưng, tất cả các biên bản của vài chục trường học trong huyện sẽ được tổng hợp về phòng giáo dục.

Được biết, phòng giáo dục sẽ tổ chức một hội đồng chọn sách để chọn ra bộ sách được nhiều trường học lựa chọn nhất và bộ sách ấy sẽ trở thành bộ sách chung cho cả huyện học trong năm tới.

Tránh sao khỏi việc không định hướng? Ai biết "Ma ăn cỗ lúc nào?"

Việc chọn một bộ sách chung cho cả huyện lúc này sẽ phụ thuộc toàn bộ vào sự lựa chọn của phòng giáo dục. Bởi thế, nhiều người nói đùa: "Biết ma ăn cỗ lúc nào?".

Nếu như người đứng đầu đã kết bộ sách A thì khi phân tích ý kiến bình chọn của các trường, người đứng đầu sẽ nhấn mạnh vào những ưu điểm của bộ sách A để ngầm thông báo và hướng các ý kiến của hội đồng vào bộ sách ấy.

Biên bản sẽ được lập ngay trong cuộc họp ấy một cách hợp pháp. Ý kiến bình chọn của các trường lúc ấy sẽ trở thành những góp ý mang tính tham khảo mà thôi.

Chọn sách theo định hướng có lợi gì?


Kỳ Sơn không đề nghị điều chuyển giáo viên chê sách giáo khoa mới

Cái lợi lớn nhất dành cho người đứng đầu ngành giáo dục địa phương ấy là món hoa hồng khổng lồ.

Cái lợi cho các trường khi đồng ý chọn bộ sách theo định hướng sẽ không bị làm khó về mọi mặt.

Chỉ có học sinh, giáo viên là chịu thiệt thòi khi thầy cô phải dạy một bộ sách không phù hợp với học sinh mình, khi các em phải học bộ sách quá tải so với năng lực.

Không chọn sách theo định hướng có được không?

Sẽ vô cùng khó khi nhiều thầy cô giáo trong ngành giáo dục luôn sống cam chịu, đề cao cách sống "dĩ hòa vi quý" nên tuyệt đối phục tùng sự chỉ đạo của cấp trên.

Chỉ một ý kiến trái chiều cũng sẽ bị quy kết vào việc "không chấp hành sự chỉ đạo…", là "cứng đầu"…

Vì thế, mọi sự chỉ phụ thuộc vào cái tâm của người đứng đầu. Nếu vì học sinh, vì sự học của địa phương họ sẽ làm đúng quy định và ngược lại.

Trúc Mai